Nhà văn Sơn Tùng sinh năm 1928, tại làng Hoa Luỹ (nay là Kim Luỹ), Diễn Châu, Nghệ An, một vùng đất ngay bên bờ biển. Sơn Tùng lớn lên trong cộng đồng dân chài lấy thuyền làm nôi và tiếng sóng vỗ bờ làm lời ru của mẹ. Chính cái mênh mông, phóng khoáng của biển cả đã hun đúc nên khí phách phóng túng pha chút ngang tàng của Sơn Tùng. Nhưng “gã thuyền chài” ấy lại được giáo dưỡng trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống "trọng chữ hơn trọng miếng ăn".
Ấn tượng đầu tiên khi đọc “Búp sen xanh” là lời đề từ ngắn gọn của nhà văn Sơn Tùng: “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời”. Qua tác phẩm, nhà văn đã “minh chứng” hùng hồn cho “bài học” ấy, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc. Đọc tác phẩm ta phần nào lý giải được điều gì đã hun đúc nên người con vĩ đại ấy? Chính truyền thống cao đẹp của gia đình từ trí tuệ, cốt cách thanh cao của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc; từ tình yêu thương vô bờ, sự hy sinh thầm lặng của bà, của mẹ Hoàng Thị Loan, của chị Thanh, anh Khiêm...; chính mảnh đất xứ Nghệ "một nắng hai sương" có làng Sen, làng Trù thân thương bình dị nhưng giàu truyền thống yêu nước, mang đậm phong vị quê hương, bản sắc dân tộc... là mạch nước ngầm ngọt ngào, là cái nôi để nuôi dưỡng tâm hồn Bác, ngọn nguồn để hình thành nên nhân cách vĩ nhân.
Với văn phong rất đỗi giản dị nhưng vô cùng biểu cảm; lối kể chuyện tự nhiên nhưng rất đỗi tinh tế, sắc sảo; ngòi bút khắc họa nhân vật sáng tạo của người viết..., cứ thế người đọc như được thả hồn, ngược dòng chảy tháng năm để trở về bên Bác. Theo bước chân của Bác, người đọc lại biết đến kinh thành Huế cổ kính, dòng sông Hương lững lờ, với đình Dương Nổ, trường Pháp - Việt Đông Ba, trường Quốc học hay Bến Nhà Rồng. Những phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói… mỗi một vùng đất Bác đi qua cũng được tác giả thể hiện một cách tự nhiên, chân thật.
Cuốn sách cho tôi những phút giây lặng người và những giọt nước mắt xúc cảm trước mỗi khó khăn, gian khổ trong suốt thời thơ ấu và thanh niên của Bác nhưng Bác luôn cố gắng vượt qua để đi tìm chân lý cho dân tộc, cứu đất nước khỏi cảnh nô lệ, lầm than. Hành trình con đường cứu nước của Bác trải qua có muôn vàn khó khăn, gian khổ. Mỗi một trang sách giúp tôi thấy rõ hơn chân dung, hình ảnh Bác kính yêu của thời thơ ấu, thời niên thiếu, tinh thần vượt khó, luôn làm việc hết mình và học hỏi hết mình. Người đọc nhận ra những phẩm chất người qua từng cử chỉ, lời nói đầy tình thương, kính yêu của cậu bé Côn với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong nhà, với bạn bè cùng trang lứa, cô bác nơi hàng xóm láng giềng. Tuổi thơ của Bác trải qua những “đoạn trường” khổ ải, thiếu thốn trăm bề nhưng đã vươn lên, vượt qua dông tố, mãi là bài học về tình thương, nhân cách, nghị lực sống. Và bao, bao trang viết xúc động như thế... mãi neo đậu trong tâm hồn người đọc những ấn tượng sâu sắc, khó quên...
Nhà văn M.Gorky từng nói: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”. Có thể khẳng định cuốn sách là một trong những món quà thiêng liêng nhất mà nhà văn Sơn Tùng nói riêng, tổ quốc Việt Nam nói chung thành kính dâng lên Người. Với nhan đề hàm nghĩa ẩn dụ: tuổi thơ, thời niên thiếu của Bác như loài hoa bình dị cao quý: búp sen thơm ngát, căng tràn nhựa sống, mãi tươi xanh, tỏa hương cho đời; cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” vẫn giữ nguyên những vẻ đẹp, giá trị đích thực của nó. Bởi lẽ ở đó có một cốt cách, một tâm hồn cao cả, một con người đẹp nhất của mọi thời đại, một bức tượng đài sừng sững trong lòng nhân loại. Đọc những cuốn sách hay ta sẽ nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống để vươn tới "chân, thiện, mĩ", để sống đẹp, sống có ý nghĩa hơn. Vậy thì đừng chần chừ, lãng phí thời gian nữa, bạn hãy làm đẹp tâm hồn mình; hãy đến với những khám phá mới mẻ, thú vị, bất ngờ, bổ ích đang chờ đón bạn với quyển "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng.
Thư viện trường
Phạm Thị Bích